UEED tham dự Hội thảo “Nghiên cứu khả thi của hệ thống cung cấp điện theo vùng carbon thấp ở Việt Nam”
Vào chiều ngày thứ Sáu 18/12/2020, Hội thảo Hội thảo “Nghiên cứu khả thi của hệ thống cung cấp điện theo vùng carbon thấp ở Việt Nam” được tổ chức bởi Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam, Cục đầu tư nước ngoài phối hợp với Tập đoàn Fujita (Nhật Bản) tại Khách sạn Rex, số 141 Nguyễn Huệ, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh (nằm trong chuỗi Dự án được tài trợ bởi METI – Bộ Kinh tế, thương mại và Công nghiệp Nhật Bản). Ths. Phan Minh Hà – Chánh văn phòng Liên hiệp Kinh tế và Giáo dục đã đến tham dự và đóng góp ý kiến cho diễn đàn chung của Hội thảo.
Với mục đích chia sẻ các kết quả nghiên cứu và phương pháp tiếp cận sáng tạo liên quan đến sản xuất điện sinh khối tại Việt Nam, đặc biệt là từ vỏ trấu, Tập đoàn Fujita (Nhật Bản) với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất năng lượng cùng các bên nghiên cứu, đơn vị triển khai kết hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư miền Nam, Cục đầu tư nước ngoài để đem đến diễn đàn dành cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, công ty có nhu cầu liên quan đến lĩnh vực sản xuất điện năng sinh khối phục vụ tiêu thụ, hệ thống cung cấp điện theo vùng carbon thấp ở nhiều khu vực tại Việt Nam.
Mở đầu Hội thảo, Đại diện Tập đoàn Fujita, TS Naoaki Uchiyama đã có bài phát biểu và Giới thiệu dự án Fujita đã thực hiện tại Myanmar (dự án điện sinh khối từ vỏ chấu có Nhà máy phát điện trấu hoạt động 24 giờ/ngày trong 330 ngày/năm, có công suất đạt 1.816 kW, nhưng có thể bán đến 1.615 Kw), trình bày về Tổng quan về dự án đầu tiên về điện sinh khối từ vỏ trấu tại Việt Nam (đã có nhiều công nghệ phát điện có công suất 20% nhưng phải có nhà máy rất lớn) và khu vực ASEAN; Đồng thời TS Uchiyama đề xuất các chính sách hỗ trợ, được phát triển từ Fujita như dịch vụ Wheeling service, Giới thiệu hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về kĩ thuật điện.
Sau bài nói của mình, TS Uchiyama đã giải đáp thắc của ông Nguyễn Xuân Huy (Công ty Green Energy) về hoạt động của nhà máy phát điện trấu, cụ thể nhà máy có công suất 3,6 kW thì có tổng vốn đầu tư khoảng 9 triệu USD, chưa tính đến hỗ trợ của Chính phủ; dù không có nguồn thu khác nhưng nhà đầu tư có thể thu hồi vốn trong 8-9 năm theo giá bán điện hiện hành của Việt Nam. Do đó, đây là một mô hình khả thi; trường hợp được hỗ trợ 50% tài chính thì tính khả thi của dự án càng cao hơn.
Sau phần nghỉ giải lao, Hội thảo bước vào nội dung thứ hai và là điểm chính của cuộc Hội thảo là phần trình bày của các diễn giả về các chủ đề:
1. Các điểm chính của Quy hoạch phát triển điện VIII và kì vọng phát triển điện sinh khối ở tại Việt Nam đối với các nhà đầu tư và đối với Chính phủ (Báo cáo viên Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương).
2. Tiềm năng và triển vọng Điện Sinh khối của Việt Nam, và một số bài học kinh nghiệm phát triển và triển khai các dự án điện sinh khối (Báo cáo viên của Viện Năng Lượng).
3. Phản ứng (việc đón nhận) của Việt Nam như thế nào đối với dự án theo mô hình JCM + Môi trường đầu tư, qui trình thẩm định và điều kiện cấp phép cho dự án điện sinh khối (Báo cáo viên của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Diễn giả, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo thuộc Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu của EVNNLDC, công suất nguồn điện trong cả nước năm 2019 là 55.367 MW, điện năng thương phẩm là 240.101.000 MWh.
Trong khi đó, Việt Nam có nguồn năng lượng sinh khối rất tiềm năng cho việc khai thác sản xuất điện trong khi nhu cầu năng lượng và điện của nước ta là rất lớn. Hơn nữa, năng lượng nói chung và điện sinh khối nói riêng đã được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rất quan tâm với việc phê duyệt Chiến lược và quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam theo Quyết định số 2068 ngày 25 tháng 11 năm 2015.
TS Phan Minh Hà – Chánh văn phòng Liên hiệp Kinh tế và Giáo dục (UEED), cùng đại diện cho các nhóm nghiên cứu phát biểu thêm về hoạt động và nhu cầu về điện năng sinh khối trong đóp góp phát triển kinh tế và phục vụ sinh hoạt người dân. Bên cạnh đó, khách tham dự Hội thảo, ông Đào Quốc Phong (Công ty Môi trường Thành Lập – TP. HCM), nghiên cứu ở nhiều quốc gia cho thấy nếu mua trấu từ nước ngoài về thì nguồn cung khó lâu dài được, tốt nhất là thực hiện liên doanh. Tuy nhiên, một công ty độc lập vẫn có thể thực hiện dự án sản xuất điện sinh khối nếu tự có nguồn ổn định.
Về tạo thuận lợi cho phát triển điện sinh khối, ông Lê Công Doanh – Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đối với năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng sinh khối, như ưu đãi về đất đai để triển khai các dự án; hợp đồng mua điện lâu dài trong vòng 20 năm, mua tính bằng USD (nhưng bán thì tính bằng Việt Nam đồng)…
Cuối Hội thảo, các khách mời và diễn giả tham dự, đại diện Cục xúc tiến đầu tư, Bộ Công Thương, Tập đoàn Fujita (Nhật Bản) đã đưa ra một số nhận định thống nhất chung về tính khả thi của ngành sản xuất điện sinh khối và cơ hội mở rộng trong lĩnh vực này dành cho các doanh nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam. Kết thúc chương trình, Ban tổ chức đã mời các cá nhân tham dự ở lại chụp lưu niệm cùng diễn giả, nhà nghiên cứu, đại diện Chính quyền và Doanh nghiệp tham gia.
Leave a Comment