Chàng trai ba lần là thủ khoa, tốt nghiệp đại học sau 8 năm
Từ bỏ ba năm học Y sau khi đứng đầu kỳ thi tốt nghiệp toàn quốc, Gia Khánh trở thành thủ khoa đầu vào và đầu ra của trường Đại học Sư phạm TP HCM.
Nguyễn Hoàng Gia Khánh, sinh năm 1997, tốt nghiệp ngành Sư phạm Hóa với điểm trung bình học tập (GPA) đạt 3,94/4 và chứng chỉ tiếng Anh TOEIC 970/990. Nhận bằng cử nhân ở tuổi 26, sau 8 năm học đại học, Khánh nhìn nhận kết quả này đến một cách tự nhiên sau những nỗ lực hoàn thiện bản thân qua từng môn học.
“Đây là hành trình nhiều chông gai, có lúc mất phương hướng, sai và làm lại, nhờ đó em nhận ra giá trị và định vị bản thân”, Khánh nói.
Năm 2015, Khánh là lứa thí sinh đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, trở thành một trong hai thủ khoa toàn quốc ở tổng điểm 6 môn thi với 53,75/60 điểm. Xét tổ hợp khối B (Toán, Hóa, Sinh), Khánh đạt 28,5 điểm, trúng tuyển ngành Y đa khoa trường Đại học Y Dược TP HCM.
Mẹ và ông bà ngoại là giáo viên nên từ nhỏ Khánh đã mường tượng một ngày mình sẽ đứng trên bục giảng. Nam sinh cũng thích học và tìm hiểu về nhiều thứ mới mẻ, đặc biệt là các môn tự nhiên, việc hiểu rõ về cơ thể người và các bệnh lý khiến Khánh cảm thấy hứng thú.
“Thời điểm lựa chọn nghề nghiệp em phân vân giữa Sư phạm Hóa và Y khoa nhưng không tìm hiểu kỹ, chỉ hứng thú với kiến thức lý thuyết mà không biết thực tế công việc của nghề Y sẽ như thế nào”, Khánh kể.
Đến năm thứ ba, bắt đầu thực tập ở bệnh viện, Khánh nhận ra đây không phải cuộc sống mà mình muốn. Lúc đó, nam sinh bị stress vì bài vở rất áp lực, hoang mang không biết mình có thực sự muốn trở thành bác sĩ hay không. Vì thế, Khánh quyết định dừng lại.
Khi xét học bạ vào ngành Sư phạm Hóa của trường Đại học Sư phạm TP HCM, Khánh thiếu 0,05 điểm. Nam sinh dành một năm để ôn thi lại. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019, Khánh đỗ thủ khoa đầu vào trường Đại học Sư phạm TP HCM với 28,05 điểm. Trong đó, Toán đạt 9,6 điểm, Hóa 9,25 và Tiếng Anh 9,2.
Khi biết lựa chọn của Khánh, gia đình ủng hộ. Tuy nhiên, Khánh nhận không ít bình luận tiêu cực từ mọi người xung quanh và mạng xã hội, cho rằng đó là quyết định nông nổi, lãng phí thời gian, tiền bạc.
Khánh nói không tự hào hay cổ súy việc chọn đại một ngành nghề rồi lại thay đổi, nhưng với nam sinh, ba năm ở trường Đại học Y Dược TP HCM không hề lãng phí. Khánh trưởng thành hơn và kiến thức Y khoa giúp Khánh xây dựng bài giảng môn Hóa theo hướng thực tiễn để học sinh hiểu sâu về môn học.
Ngoài nền tảng kiến thức tốt, Khánh duy trì động lực học tập. Với mỗi môn học, giảng viên luôn kết nối lý thuyết với thực tiễn và các kiến thức phổ thông. Do đó, Khánh hiểu vì sao cần học môn học này và nó sẽ giúp mình phát triển kỹ năng gì. Theo Khánh, đó là phương pháp dạy lấy người học làm trung tâm. Em cũng học hỏi điều này để quá trình đi dạy sau này giúp học sinh thấy được cái hay và sự cần thiết của môn học.
Mặt khác, Khánh nói không dám lười biếng, qua loa vì sự nhiệt huyết trong từng bài giảng của thầy cô. Mỗi khi thắc mắc vấn đề nào đó, Khánh được thầy cô giảng lại kỹ lưỡng, cung cấp tài liệu tham khảo rất chi tiết, hữu ích. Thậm chí, ở một số môn học, thầy cô còn phản hồi cho từng sinh viên về điểm mạnh hay yếu cần cải thiện.
“Thầy cô vừa giỏi, tâm huyết và lắng nghe sinh viên, là nguồn động lực rất lớn với em”, Khánh nói.
Giảng dạy và hướng dẫn Khánh nghiên cứu khoa học, làm tiểu luận tốt nghiệp, TS Nguyễn Thanh Bình, Giảng viên khoa Hóa học, đánh giá Khánh chịu khó và dám đương đầu với thách thức. Nam sinh luôn xem trước nội dung, chủ đề các buổi học, đến lớp nghe lại rồi tìm giảng viên trao đổi những điểm còn thắc mắc hoặc mở rộng vấn đề.
Tự nhận yếu phần thực hành, Khánh thường xin làm thực nghiệm khi nghiên cứu khoa học với thầy để học hỏi dù đây không phải là phần bắt buộc.
“Tôi tin Khánh sẽ trở thành một nhà giáo tốt”, thầy Bình nói, thêm rằng trong những buổi dạy thử, Khánh chuẩn bị giáo án, bài giảng rất nghiêm túc, bám sát các yêu cầu của chương trình và giảng viên. Ngoài ra, em còn sáng tạo các bộ dụng cụ học tập, thí nghiệm giúp học sinh dễ hiểu bài hơn.
Thời gian tới, Khánh sẽ theo học thạc sĩ ngành Lý luận và phương pháp dạy học tại trường đồng thời đi dạy học theo đúng ước mơ của mình.
Khánh nói nhớ mãi lời tâm sự của một cô giáo, rằng “nghề giáo là nghề gieo hạt, cô gieo hạt để em trưởng thành, để em tiếp tục gieo hạt cho sự trưởng thành của thế hệ mai sau”. Những năm tháng học tập tại trường giúp Khánh cảm nhận được sự trao truyền, gắn kết và sứ mệnh trong nghề của mình thông qua hình ảnh của cô.
“Nghề giáo ngày càng đối mặt với nhiều thách thức, khó nói trước được điều gì, nhưng tôi tự dặn lòng sẽ giữ sự nhiệt huyết, máu lửa trong nghề như thầy cô đã truyền cho mình”, Khánh chia sẻ.
Nguồn : Vnexpress
Leave a Comment